Độ xe ô tô là một trong những chủ đề thích thú nhất với những người sở hữu một chiếc xe riêng. Độ xe có thể là độ mã lực hoặc độ phần vỏ, làm cho vẻ ngoài chiếc xe đẹp hơn. Tuy nhiên tại Việt Nam đã có quy định rõ ràng cho việc độ xe, giúp chúng ta hiểu rõ việc độ xe có hợp pháp hay đủ tiêu chuẩn để lăn bánh hay không? Cùng Nghiện 4 Bánh tìm hiểu về độ xe ô tô và cách độ xe ô tô một cách an toàn nhất vẫn tránh phạm luật.
Độ xe ô tô là gì?
Độ xe ô tô là thêm hoặc thay đổi kết cấu, bộ phận gốc của ô tô sang một bộ phận của bên thứ 3 với mục đích là thay đổi vẻ ngoài hoặc tăng mã lực cho động cơ. Hiện nay độ xe ô tô được chia làm 4 phần, bao gồm:
Độ động cơ
Động cơ có thể độ được bằng cách thay hẳn một hộp động cơ mới hoặc gắn thêm turbocharger, supercharger. Với việc có thêm không khí, nhiên liệu, buồng đốt lớn hơn, nhiều xi lanh hơn thì động cơ sẽ nổ mạnh hơn, làm tăng mã lực động cơ.

Độ hệ thống treo – giảm xóc
Các tay chơi xe hay độ phần giảm xóc bằng cách thay đổi góc camber của lốp xe, làm cho lốp xe nghiêng hơn hoặc hạ thấp gầm xe xuống. Việc độ hệ thống treo cũng có thể cải thiện khả năng vào cua, làm cho góc cua rộng hơn so với lúc đầu.

Độ ngoại thất
Phổ biến nhất mà chúng ta hay thấy đó là độ body kit. Độ body kit không hề tăng thêm chút mã lực nào, nhưng đây là phần độ được nhiều người lựa chọn nhất khi có thể thay đổi kiểu dáng của xe. Đối với những người thích sự mới lạ, độc đáo thì độ body kit là một lựa chọn quá hoàn hảo. Độ body kit bao gồm các phần như cản trước, cản sau, rìa hông, cánh sau,…

Độ nội thất
Nếu quá nhàm chán khi vào xe mỗi ngày, nhìn đi nhìn lại những nội thất theo năm tháng thì có thể độ nội thất. Độ nội thất thay đổi các tiện ích bên trong xe như vô lăng, cần gạt số, ghế,…

Độ xe ô tô có bị phạt không?
Nhiều người đam mê độ xe sẽ tự hỏi liệu độ xe ô tô có bị phạt không? Độ xe ô tô hoàn toàn có thể bị phạt và cũng có thể không bị phạt tùy vào kiểu độ.
Xe ô tô đã được nhà sản xuất thiết kế sao cho đảm bảo được các yếu tố vận hành cũng như an toàn cho người lái khi tham gia giao thông. Vì vậy việc độ ô tô là đi trái lại với mục đích của nhà sản xuất đã làm lúc đầu. Các yếu tố an toàn cho xe và người lái sẽ không còn đảm bảo nữa, vì các sản phẩm độ xe đa số là của bên thứ 3 chứ không phải của hãng.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì quy định về việc độ xe như sau:
- Trường hợp tự ý thay đổi màu sơn đã đăng ký trên giấy tờ đăng ký được quy định tại khoản 2, điều 30, mục 6 chương II. Mức phạt đối với cá nhân là 300.000đ – 400.000đ, mức phạt đối với tổ chức là và 400.000đ – 800.000đ.
- Trường hợp tự ý cắt, đục, hàn khung xe, số xe tại khoản 7, điều 30, mục 6, chương II. Mức phạt đối với cá nhân là 2 – 4 triệu và đối với tổ chức là 4 – 8 triệu.
- Trường hợp tự ý thay đổi kết cấu khung xe, động cơ, hệ thống phanh, hệ thống chuyển động, hệ thống truyền lực tại khoản 9, điều 30, mục 6 chương II. Mức phạt đối với cá nhân là 6 – 8 triệu và đối với tổ chức là 12 – 16 triệu.
- Trường hợp tự ý thay đổi khung, máy, kích thước, đặc tính, hình dáng của xe tại khoản 3, điều 16, mục 3, chương II. Mức phạt là từ 800.000đ – 1 triệu.
Như vậy chúng ta đã nắm rõ được việc độ xe ô tô bằng cách sửa đổi, thay đổi động cơ, hệ thống treo là trái với các nghị định trên, còn độ một số bộ phận nội thất và ngoại thất vẫn có thể làm được.
Độ xe ô tô có đăng kiểm được không?
Đăng kiểm xe ô tô là một trong những chủ đề hot nhất hiện nay, đặc biệt là liên quan tới những người đã lỡ thay đổi kết cấu, độ xe ô tô. Đăng kiểm xe ô tô có mục đích là xác thực được xe ô tô có đủ điều kiện để lưu hành, tham gia giao thông hay không. Nếu xe đã được thay đổi ở các bộ phận thiết yếu, gây ảnh hưởng đến vận hành thì xe sẽ bị từ chối đăng kiểm, không đủ điều kiện để lăn bánh.
Để tránh việc xe không được đăng kiểm, khi độ xe ô tô hãy lưu ý tới các yếu tố sau:
- Độ đèn chiếu sáng: Không tự ý lắp thêm các thiết bị, đèn chiếu sáng, thay đổi điện áp, công suất tiêu chuẩn của đèn so với nhà sản xuất, chẳng hạn như đèn pha.
- Độ thêm cản trước, cản sau, nóc: Xe ô tô có thể gắn thêm các bộ phận cản trước để bảo vệ cho ô tô. Tuy nhiên không được vượt qua kích thước tiêu chuẩn là 4x3x4cm, tương ứng với dài x rộng x cao so với kích thước gốc của xe.
- Dán tem xe, decal hoặc thay đổi màu sơn: Đối với những xe thay đổi màu sơn khác hoàn toàn so với màu sơn gốc trong giấy tờ đăng ký xe hoặc dán decal chiếm hơn 50% diện tích của xe thì sẽ không được đăng kiểm.
- Thay đổi kết cấu xe: Toàn bộ các thay đổi liên quan đến kết cấu xe như giảm xóc, hệ thống treo, phanh,… đều không được chấp nhận đăng kiểm.
- Không có thiết bị giám sát, camera hành trình: Xe khách theo tuyến, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch và xe container bắt buộc phải có thiết bị hành trình. Các loại xe trên nếu không có thiết bị giám sát hành trình sẽ bị từ chối đăng kiểm.
- Lắp thêm ghế ngồi cho xe Van: Yêu cầu này sẽ không được tiếp nhận và sẽ bị từ chối đăng kiểm.
Vì vậy để biết xe độ có đăng kiểm được hay không thì còn tùy vào việc xe có phạm phải 6 yếu tố trên không. Nếu có thì nên bổ sung hoặc gỡ bỏ để đủ điều kiện đăng kiểm.
Các kiểu độ xe ô tô không bị phạt
Dán Decal
Dán decal là phương án tốt nhất nếu bạn muốn thay đổi vẻ ngoài cho chiếc xe. Nhưng hãy lưu ý là decal không được chiếm quá 50% diện tích của xe.

Thay đổi màu mâm xe
Thay đổi mâm xe không làm ảnh hưởng đến các thông số như kích thước của mâm nên hoàn toàn có thể làm được. Màu sắc quy định khi đăng kiểm hay lưu thông áp dụng đối với màu sắc chính được sơn lên bề mặt xe chứ không áp dụng cho mâm xe.

Độ cản trước/sau
Có thể độ xe ô tô bằng cách thêm cản trước/sau miễn là kích thước không vượt quá 4x3x4cm so với kích thước tiêu chuẩn ban đầu.

Độ nội thất
Độ nội thất thì tốt nhất là không nên thay thế hoàn toàn mà chỉ thêm vào thôi. Một số bộ phận nội thất bạn có thể thêm vào như:
- Bọc vô lăng: Tạo cảm giác cầm nắm chắc hơn, không bị lem bẩn vào vô lăng.
- Camera hành trình: Rất cần thiết khi di chuyển, quay lại các tình huống không lường trước.
- Thảm da: Dễ vệ sinh hơn so với thảm vải.
- Giá treo điện thoại: Dễ dàng thao tác với điện thoại hơn, tránh việc 1 tay cầm máy điện thoại 1 tay cầm vô lăng.
- Bọc da nội thất: Bọc da các phần taplo, ghế ngồi, trần xe, vô lăng, cần gạt số,… đem lại vẻ ngoài sang trọng hơn.
- Ốp gỗ: Có thể ốp gỗ vào các phần như taplo, mặt cần gạt số,…
- Thêm màn hình DVD: Tích hợp nhiều tính năng như xem bản đồ, bật nhạc, thời tiết,…
- Độ cách âm: Giảm âm thanh bên ngoài nếu thường xuyên phải di chuyển ở vùng ồn ào.
- …

Các câu hỏi thường gặp khi độ xe ô tô
Độ pô xe ô tô có bị phạt không?
Độ xe ô tô bằng cách thay đổi đổi pô vi phạm nghị định 100/2019/NĐ-CP tại khoản 9, điều 30, mục 6 chương II khi tự ý thay đổi kết cấu của xe. Ngoài ra các kiểu độ pô hiện tại chủ yếu là độ thêm tiếng, làm cho xe ồn hơn. Với việc nẹt pô, gây ồn ào ảnh hưởng đến giao thông nói chung thì sẽ có mức xử phạt.
Dán decal toàn xe khớp với màu sơn thì có được đăng kiểm không?
Độ xe ô tô bằng cách phủ decal, dán xe thuộc hạng mục “dán Decal”, và trong quy định rõ ràng là không vượt quá 50% diện tích xe. Dán decal không phải là sơn xe nên sẽ không được đăng kiểm. Vì vậy tốt nhất hãy đăng kiểm xe với màu sơn gốc rồi hãy dán phủ sau.
Sơn hơi lệch màu thì có được đăng kiểm không?
Trong các điều kiện đăng kiểm thì màu sơn thuộc mục lỗi không quan trọng. Vì vậy chênh lệch một chút về màu sắc không còn giống như lúc mới giao xe vẫn có thể được đăng kiểm.
Độ xe ô tô bằng cách thay mâm có bị phạt không?
Việc độ xe ô tô bằng cách thay mâm hoàn toàn sẽ bị phạt và không đủ điều kiện đăng kiểm. Chiếu theo khoản 3, điều 16, mục 3, chương II thì thay mâm cho lốp xe vi phạm việc thay đổi đặc tính, hình dáng của xe. Mâm xe độ cũng không đảm bảo các yếu tố thông số giống như nhà sản xuất nên không được phép thay.
Vậy về việc độ xe ô tô có bị phạt không thì đa số sẽ bị phạt, tùy vào các kiểu độ xe. Vì vậy để tránh các tình huống ăn biên bản không đáng có hoặc tránh mất thời gian khi xe không đủ điều kiện đăng kiểm thì nên cân nhắc các yếu tố trên trước khi thực hiện độ xe ô tô.