Nếu bạn mới bắt đầu xem những trận đua F1 thì chắc chắn sẽ còn vướng mắc nhiều về những gì diễn ra trong trận đua. Điển hình nhất là những thắc mắc liên quan đến các từ ngữ được sử dụng bởi bình luận viên và các đội đua. Nghiện 4 bánh sẽ giải đáp cho bạn toàn bộ các tiếng lóng, thuật ngữ F1 phổ biến nhất.
107% Rule
Luật 107% được ra đời vào năm 1996 và áp dụng lần đầu vào năm 2002. Mục đích của 107% Rule đó là loại những tay đua quá chậm so với những người khác. Bởi vì trên trường đua di chuyển quá chậm sẽ gây nguy hiểm cho các tay đua còn lại.
Khi một tay F1 đua tham gia vòng phân hạng, nếu không thể hoàn thành vòng đua với thời gian bằng 107% của vòng đua nhanh nhất thì sẽ bị loại. Chẳng hạn nếu tay đua nhanh nhất hoàn thành một vòng đua xếp hạng là 1 phút 40 giây, tức 100 giây thì các tay đua còn lại cần tối thiểu 107 giây để qua được vòng xếp hạng.
Trong trường hợp tay đua không thể đạt được 107% thì sẽ bị loại hẳn khỏi trận đua chính thức. Nhưng nếu tay đua chứng minh được rằng bản thân họ và chiếc đủ xe nhanh thông qua những vòng đua tập thì vẫn có thể được đi tiếp.
Aerodynamics
Aerodynamics mang nghĩa là khí động lực học. Để chiếc xe F1 nhanh nhất có thể thì các chuyên gia thiết kế xe F1 đã tận dụng được cách luồng khí di chuyển từ trước ra sau xe. Một chiếc xe F1 có khí động lực học tốt đều đến từ hình dáng, cánh trước, cánh sau, hông xe,…

Chiếc xe F1 được thiết kế ngược lại so với thiết kế máy bay. Máy bay có các phần cánh thiết kế để tận dụng luồng khí, nâng máy bay lên. Còn với xe F1 thì tận dụng luồng khí để ép chặt chiếc xe xuống mặt đường. Về lý thuyết thì xe F1 có thể đi trên trần nhà với tốc độ đủ cao. Nếu xe đạt tốc độ 150-200km/h cùng với mặt đường phẳng sẽ làm được điều này.
Airbox
Airbox là nơi không khí được đưa vào động cơ xe F1, đặt ở ngay sau lưng và cao hơn đầu của tay đua. Phần hộp khí này còn có tác dụng bảo vệ đầu của tay đua khi gặp tai nạn làm xe bị lộn ngược.
Apex
Apex là một thuật ngữ F1 nâng cao mang nghĩa “đỉnh cua”, ám chỉ vị trí tốt nhất để đi vào và ra khỏi khúc cua. Tay đua đi được vào đỉnh cua sẽ có lợi hơn khi thoát ra khỏi khúc cua nhờ có được tốc độ tối ưu nhất. Điểm Apex thường nằm ở giữa, sát lề của khúc cua.

Backmarker
Backmarker là những tay đua F1 hạng cuối bị tay đua dẫn đầu vượt qua một lần nữa. Khi tay đua dẫn đầu vượt lên thì Backmarker phải nhường đường, không được làm khó tay đua đang vượt lên. Cờ xanh dương cũng được cảnh báo để cho tay đua hạng cuối biết rằng có xe đang tiếp cận gần mình.
Ballast
Ballast là trọng lượng được phân bổ xung quanh xe F1 để đạt được khối lượng tối thiểu. Có thể tùy chỉnh Ballast để hợp với phong cách của tay đua và trường đua.
Bottoming
Bottoming là thuật ngữ F1 ám chỉ khi chiếc xe chạm gầm vào mặt đường, lúc này các tia lửa sẽ được bắn ra. Việc chạm gầm này xảy ra khi chiếc xe lao với vận tốc lớn, khí động học ép chặt chiếc xe xuống mặt đường. Hoặc có thể là do tay đua di chuyển vào phần đường hơi nhấp nhô. Phần tia lửa được bắn ra là do có một mảnh Titanium được gắn bên dưới xe để ngăn gầm xe bị mòn quá nhiều.

Box
Box là một từ lóng trong thuật ngữ F1, được dùng khi một tay đua muốn pit hoặc đội kỹ thuật gọi tay đua vào pit. Khi từ Box được sử dụng thì cả 2 bên sẽ không hỏi gì thêm như có chắc không, có được không, có cần thiết không,… mà phải vào thẳng pit.
Chicane
Chicane là thuật ngữ F1 được dùng cho những khúc cua chữ chi, quanh co hình chữ S. Khi các tay đua đi vào khúc cua này thì phải bẻ lái liên tục và đi với vận tốc thấp hơn so với những khúc cua khác.

Clean Air
Clean Air là luồng không khí mà một tay đua F1 được tiếp cận nếu không có chiếc xe nào khác ở phía trước. Khí sạch giúp cho khí động học của chiếc xe hoạt động tốt hơn.
Cockpit
Cockpit là nơi mà các tay đua F1 ngồi vào, hay còn gọi là buồng lái.

Delta Time
Delta Time là khoảng cách giữa 2 xe với nhau hoặc chênh lệch thời gian vòng hiện tại so với vòng trước. Số delta màu đỏ nghĩa là đang chậm hơn, xanh lá nghĩa là nhanh hơn.
Dirty Air
Dirty Air là thuật ngữ F1 ngược lại với khí sạch, khí bẩn xuất hiện là do tay đua đang bám sát một chiếc xe khác. Luồng khí sạch được chiếc xe phía trước sử dụng, còn chiếc xe sau sẽ được nhận luồng khí bẩn không ổn định cùng với khí thải của xe phía trước.
Khi một chiếc xe nhận được luồng khí bẩn thì hậu quả dễ thấy đó là xe hoạt động không ổn định, có thể bị rung lắc, mất tay lái,… Lý do được gọi là khí bẩn bởi vì luồng khí này đã bị xe đằng trước làm xáo trộn thông qua các bộ phận cánh trước, cánh sau, hông,… Khí bẩn chủ yếu gặp phải khi cả 2 xe đều đang xếp hàng để đi vào khúc cua.
Downforce
Downforce là thuật ngữ F1 ám chỉ lực ép của chiếc xe xuống mặt đường khi di chuyển với tốc độ cao. Lực ép càng lớn thì chiếc càng bám đường và di chuyển vào khúc cua tốt hơn. Lực ép này có thể tùy biến bằng cách chỉnh trước và cánh sau của chiếc xe.
Double Stack
Trạm dừng pit với cả 2 xe cùng một lúc, hiếm khi được sử dụng bởi vì nếu xe ở trước pit lỗi cũng khiến cho chiếc xe ở phía sau phải chờ, dẫn đến tụt thứ hạng cả 2 xe cùng lúc. Ngoài ra đội pit cũng áp lực hơn, phải thao tác thật chuẩn với cả 2 xe.
Drive-through Penalty
Drive-through Penalty là một lỗi penalty mà tay đua phải đi vào pit với tốc độ giới hạn 80km/h hoặc 60km/h và ra khỏi pit để tiếp tục trận đua.
DRS
DRS là thuật ngữ rất phổ biến trong F1, được viết đầy đủ là Drag Reduction System. Khi tay đua dùng DRS thì cánh sau sẽ mở, để lộ một khoảng trống để cho luồng khí đi qua. Chiếc xe lúc này sẽ giảm độ bám nhưng tốc độ thì tăng lên nhiều.

DRS chỉ được phép sử dụng khi đi vào vùng DRS – DRS zones đi kèm với điều kiện là cách chiếc xe ở phía trước dưới hoặc bằng 1 giây. Tay đua sẽ tận dụng DRS để vượt qua chiếc xe ở phía trước. Những chiếc xe bị vượt sẽ không được dùng DRS nếu không có xe phía trước trừ tay đua vừa vượt qua.
DRS cũng được phép sử dụng không giới hạn ở các vòng xếp hạng. Chỉ cần tay đua đi vào vùng DRS thì sẽ được mở cánh sau thoải mái.
ERS
ERS là từ viết tắt của Energy Recovery Systems – hệ thống phục hồi, tái tạo năng lượng. ERS là tên gọi khác của bộ phận Motor Generator Units, giúp thu lại một phần năng lượng từ động năng và nhiệt năng. Bộ phận này được chia làm 2 đó là MGU-K (Kinetic) và MGU-H (Heat). MGU-K thu lại năng lượng từ động năng, đến từ việc sử dụng phanh của tay đua. MGU-H thu lại năng lượng từ nhiệt năng, đến từ độ nóng của động cơ.
ERS có khả năng tạo ra nguồn năng lượng 120kw, tương đương với 160 mã lực, ngang với một chiếc xe gia đình. Phần năng lượng này sẽ được tay đua dùng để tăng tốc cho chiếc xe F1.
FIA
Tương tự như bóng đá có FIFA, thì các bộ môn thể thao như đua xe bao gồm cả F1 sẽ có tổ chức liên đoàn đứng đầu là FIA. Ngoài ra FIA sẽ tham gia trực tiếp vào một số trận đua, quyết định các án xử phạt cho các cá nhân hoặc tập thể đội đua.
Flag
Flag là thuật ngữ F1 dành cho những lá cờ được xử dụng xuyên suốt trong các trận đua, bao gồm FP, Qualifying và Grand Prix.
Flatspot
Flatspot là điểm mài phẳng xuất hiện trên lốp khi tay đua F1 áp lên phanh thừa lực, làm cho chiếc xe bị khóa bánh, lúc này bánh xe không lăn nữa nhưng vẫn bị trượt do gia tốc của chiếc xe quá lớn. Lốp xe sẽ bị mài phẳng vào mặt đường khi bị khóa bánh và làm bề mặt lốp không còn được tròn nữa. Các tay đua vẫn có thể đua được tiếp nhưng nếu chiếc lốp bị mài phẳng nhiều quá thì bắt buộc phải thay.

Formation Lap
Formation Lap trong thuật ngữ F1 nghĩa là vòng diễu hành hoặc vòng khởi động, giúp cho các tay đua làm nóng lốp để có xuất phát tốt hơn.
Free Practice
Free practice là vòng đua tập cho các tay đua để làm quen với mặt đường, tùy chỉnh lại xe,… Free Practice được chia làm 3 phần là FP1, FP2 và FP3. Mỗi trận đua tập có tối đa 1 tiếng và FP1, FP2 sẽ bắt đầu vào sáng, chiều thứ 6, còn FP3 sẽ bắt đầu vào sáng thứ 7.
G-force
Tương tự như các phi công lái máy bay chiến đấu, các tay đua F1 cũng bị ảnh hưởng bởi lực G-force. Một tay đua chịu khoảng 5G khi phanh, 2G khi tăng tốc và 4-6G khi đi vào khúc cua. Một phi công máy bay chiến đấu chịu được tối đa 9G và có thể bất tỉnh khi vượt ngưỡng này.
Gravel trap
Gravel trap là các bãi đá sỏi được đặt bên ngoài đường đua, giúp giảm tốc độ khi chiếc xe bị mất lái và lao vào tường. Các bãi đá này cũng ngăn các tay đua lợi dụng việc đi ra khỏi mặt đường để vượt lên nhanh hơn.

Graining
Graning là hiện tượng xuất hiện khi vụn cao su ở trên mặt đường bám vào bề mặt lốp do quá nóng, điều này sẽ gây giảm độ bám của lốp xe. Trường hợp này chủ yếu chỉ xuất hiện khi các tay đua đi ở vận tốc thấp, thường là khi đi sau xe an toàn. Sau khi tăng tốc và di chuyển qua lại thì phần vụn này sẽ văng ra ngoài. Graining xuất hiện ở cả bánh trước và bánh sau, nhưng thường xuyên ở bánh trước hơn.
Grip
Grip là thuật ngữ F1 ám chỉ độ bám của lốp xe với mặt đường.
Hairpin
Hairpin trong tiếng Anh dịch ra tiếng Việt thì mang nghĩa là kẹp tóc, nhưng trong Fomular 1 thì Hairpin ám chỉ khúc cua quay đầu 180, hay còn gọi là U-turn. Lý do được gọi là Hairpin vì khi nhìn từ trên cao xuống thì khúc cua này nhìn giống như chiếc kẹp tóc vậy.

Halo
Halo là thuật ngữ F1 mới xuất hiện những năm gần đây. Halo là một thanh xà 3 điểm được gắn ở trên đầu của tay đua. Mục đích là để bảo vệ đầu của họ khi gặp các sự cố khiến xe bị lật ngược.

Halo tạo nên nhiều tranh cãi khi mới được đề cập vì làm vướng tầm nhìn của các tay đua. Nhưng rất may nhờ có Halo nên rất một số tay đua đã được cứu sống và những tranh cãi này đã thưa dần.
In lap/Out lap
In lap là vòng đua cuối cùng trước khi vào pit, tay đua lúc này sẽ được kỹ thuật viên nhắc và đua hết khả năng, tận dụng bộ lốp cũ nhiều nhất có thể. Sau khi vào pit và thay pit xong, khi tay đua nhập lại vào đường đua thì gọi là out lap. Out lap có nghĩa là vòng khởi động sau khi vào pit, giúp làm nóng bộ lốp mới.
Trong các trận đua thì kỹ thuật viên hay nhắc tay đua là “Out lap normal” hoặc “Out lap critical”.
- Out lap normal nghĩa là vòng khởi động này sẽ diễn ra bình thường, không có các vấn đề gì lo ngại.
- Out lap critical nghĩa là vòng khởi động này sẽ khó thực hiện và cần lưu ý. Thông thường là khi tay đua ra khỏi pit và gặp nhiều xe khác cản trở, làm giảm khả năng làm nóng lốp.
Jumpstart
Jumpstart nghĩa là xuất phát trước khi đèn hiệu tắt, thường thì lỗi này sẽ bị phạt penalty bằng cách đi qua pit. Nếu không chấp hành thì sẽ bị phạt cộng thêm 5-10 giây vào kết quả cuối trận.
Lunge
Lunge là thuật ngữ F1 hay được các bình luận viên sử dụng khi tay đua thực hiện một pha đâm góc, đi vào phía trong của khúc cua để đẩy tay đua ở phía ngoài ra. Lunge nói ngắn gọn hơn sẽ là đâm góc, cú đâm góc. Trong tiếng Anh thông thường thì Lunge là một bài tập chân.
Marshal
Marshal là các hỗ trợ viên trực trên đường đua, đảm bảo các nhiệm vụ như dọn mảnh vỡ, phất cờ, hỗ trợ tay đua bị nạn nếu cần thiết,… Marshal còn gọi là tình nguyện viên nữa bởi những người này không nhận lương. Bù lại, những tình nguyện viên này sẽ được vào trường đua F1 miễn phí, được tiếp cận với các tay đua và thưởng thức những khúc cua tốc độ.

Lý do mà môn thể thao đắt đỏ như F1 cũng phải sử dụng tình nguyện viên đó là các Marshal chỉ làm việc 3 ngày vào cuối tuần đua. Hơn nữa mỗi trận đua lại diễn ra ở một quốc gia khác, 1 năm chỉ diễn ra một lần. Nên F1 không cần thiết phải tuyển dụng các hỗ trợ viên, vừa khó khăn cho việc di chuyển giữa các quốc gia, vừa ít việc để làm.
Out brake
Out brake là một thuật ngữ F1 khác được đề cập khi một tay đua thực hiện phanh quá muộn, thông thường là khi tay đua này đang muốn vượt người khác ở một khúc cua nhưng không được như ý.
Paddock
Thuật ngữ F1 rất phổ biến, paddock chính là bãi đỗ, hậu phương của tay đua cũng như đội Pit Stop. Trong paddock sẽ bao gồm đội kĩ thuật, media, giám đốc,…

Pit Lane
Pit Lane là nơi mà các tay đua có thể di chuyển vào để chỉnh sửa lại xe, thay lốp và tập hợp lại khi trận đua kết thúc. Các nhân sự kĩ thuật sẽ trực ở đây và khi tay đua vào thay lốp thì gọi là Pit Stop.

Podium
Podium là bục trao giải cho top 3 tay đua về đầu tiên sau khi trận đấu kết thúc. Podium cũng là thuật ngữ F1 ám chỉ thành tích đạt được trong sự nghiệp của tay đua.

Pole Position
Pole Position là thuật ngữ F1 dành cho vị trí đầu tiên khi các tay đua xuất phát. Tay đua có thể dành được vị trí pole khi họ đạt được thời gian đua nhanh nhất ở vòng xếp hạng thứ 3 (Q3).
Qualifying
Qualifying là thuật ngữ F1 dành cho vòng xếp hạng, đây là thứ để quyết định vị trí của các tay đua ở vòng đua chính thức. Vòng xếp hạng được chia làm 3 phần là Q1, Q2 và Q3 được bắt đầu vào 14h chiều thứ 7. Q1 sẽ bắt đầu với tất cả các tay đua và có thời gian đua là 18 phút. Q2 được bắt đầu với 15 tay đua và có thời gian đua là 15 phút. Cuối cùng là Q3 bắt đầu 10 tay đua còn lại và có thời gian đua là 12 phút.
Sau khi vòng Q1 kết thúc thì 5 tay đua có thời gian chậm nhất sẽ được xếp vào 5 vị trí cuối cùng, thường là từ 20-16. Tiếp đó là Q2 sẽ xếp 5 tay đua vào vị trí 15-11. Q3 sẽ xếp hạng cho 10 tay đua còn lại.
Race Weekend
Race Weekend là tuần đua của F1, sẽ được chia ra làm 3 ngày cuối tuần đó là thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Vào ngày thứ 6 thì sẽ có 2 buổi đua tập FP1 và FP2. Thứ 7 sẽ có buổi đua tập FP3 vào buổi sáng và buổi chiều sẽ là vòng xếp hạng Q1, Q2 và Q3. Cuối cùng chủ nhật sẽ là vòng đua Grand Prix chính thức.
Safety Car
Safety Car hay còn gọi là xe an toàn, chiếc xe này được đưa vào mặt đường khi trường đua xuất hiện những sự cố như tai nạn. Mục đích của xe an toàn đó là giới hạn tốc độ của các tay đua, toàn bộ những chiếc xe khác phải đi sau chiếc xe an toàn này. Chiếc xe an toàn sẽ rời đi sau khi các vấn đề trên trường đua đã được loại bỏ.

Sectors
Sectors là vùng đua, một vòng đua được chia ra làm 3 phần là S1, S2 và S3. Các tay đua có thể lập kỉ lục thời gian nhanh nhất cho mỗi sector. Khi một tay đua hoàn thành một sector sẽ có 3 màu xuất hiện:
- Màu vàng cho biết tốc độ của họ chậm hơn so với kỷ lục của bản thân.
- Màu xanh lá cho biết tốc độ của họ nhanh nhất so với các vòng trước đó, là kỷ lục mới nhất của bản thân.
- Màu tím cho biết tốc độ của họ là kỷ lục của trường đua, nhanh nhất trong trận đua đấy so với các tay đua khác.

Slipstream
Slipstream là thuật ngữ F1 cho kĩ thuật núp gió chiếc xe ở đằng trước. Tay đua lúc này sẽ bám sát vào đuôi xe ở phía trước, chiếc xe đằng sau không phải chịu nhiều lực cản gió nên có thể tăng tốc nhanh hơn. Kĩ thuật núp gió được sử dụng rất phổ biến nhưng chủ yếu là ở những đoạn thẳng. Khi đi vào khúc cua thì sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của khí bẩn nhiều hơn là núp gió.

Kĩ thuật núp gió này không chỉ dùng lên đối thủ mà đồng đội cũng có thể dùng với nhau để lập kỉ lục cho vòng nhanh nhất.
Sprint Race
Cũng là thuật ngữ F1 đang còn mới mẻ, nghĩa là trận đua nước rút. Tại trận đua này tất cả các tay đua có thể không cần pit thay lốp mà đua thẳng quãng đường 100km liên tục không dừng. Kết quả của trận đua nước rút này sẽ được dùng để xếp hạng cho tay đua ở vòng đua chính thức.
Format những tuần đua có trận nước rút sẽ như sau: FP1 – Qualifying – FP2 – Sprint Qualifying – Grand Prix.
Undercut/Overcut
Undercut là thuật ngữ F1 nâng cao, mang nghĩa là cắt dưới, được dùng khi tay đua muốn vượt chiếc xe dẫn đầu nhưng chưa tìm được cơ hội. Lúc này tay đua sẽ vào pit trước so với đối thủ, tận dụng bộ lốp mới để đuổi theo. Khi tay đua đuổi kịp hoặc vượt qua thì cũng là lúc chiếc xe đối thủ phải pit, lúc này tay đua sẽ đứng nhất và tận dụng được luồng khí sạch.
Ngược lại so với undercut, tay đua sẽ pit sau đối thủ, tận dụng được khoảng thời gian mà đối thủ ở pit để kéo dài khoảng cách. Chiến thuật overcut còn gọi là cắt trên không được sử dụng phổ biến trong F1, vì nếu pit sau thì sẽ không có đủ thời gian để đuổi theo đối thủ nếu bị vượt qua.
Understeer/Oversteer
Understeer là thiếu lái, xuất hiện do lốp trước mất độ bám, làm cho tay đua không vào được khúc cua như dự tính. Một chiếc xe F1 gặp vấn đề như vậy không còn cách nào khác là giảm tốc độ lại để vào cua.
Oversteer là thừa lái, khi mà lốp sau của chiếc xe F1 bị mất độ bám lúc đi vào khúc cua. Chiếc xe lúc này sẽ vào cua nhiều hơn so với dự tính của tay đua hoặc bị trượt ra khỏi mặt đường và tiếp đó là va vào tường, bãi cỏ,…
Hãy ghi nhớ những thuật ngữ F1 trên để dễ dàng hiểu hơn diễn biến trận đua nhé. Nếu bạn muốn đóng góp thêm những kiến thức về trường đua F1, đừng ngần ngại bình luận ngay bên dưới!
Đánh giá bài viết
Xin lỗi bạn vì chất lượng bài viết không như kỳ vọng ☹️.
Nghiện 4 Bánh sẽ cố gắng cải thiện nội dung 💪!
Nghiện 4 Bánh cần cải thiện nội dung gì trong bài viết này 📝?