DRS là gì? Cơ chế hoạt động và luật sử dụng DRS trong F1

DRS là một trong những thuật ngữ F1 quá phổ biến ở trường đua này. Nhưng DRS vẫn gây khó hiểu cho những người mới theo dõi bộ môn này. Cùng Nghiện 4 Bánh tìm hiểu sâu hơn về DRS cũng như luật dùng DRS quanh trường đua F1.

DRS là gì?

DRS là viết tắt của Drag Reduction System – Hệ thống giảm lực cản dành cho xe F1. Nhiệm vụ của DRS đó là giúp cho chiếc xe đạt tốc độ cao hơn, tạo điều kiện cho chiếc xe có thể vượt đối thủ ở phía trước bằng cách mở cánh sau.

DRS lần đầu được đưa vào trường đua F1 vào năm 2011 để giải quyết các bài toán liên quan đến việc xe ở đằng sau nhanh nhưng xe đằng trước quá chậm, gây ảnh hưởng đến các tay đua. Fernando Alonso đã đánh mất chức vô địch thế giới năm 2010 vì chiếc xe Renault ở đằng trước do Vitaly Petrov lái quá chậm, gây cản trở ông.

Đọc thêm

DRS hoạt động như thế nào?

Cách DRS hoạt động

Cánh sau của xe F1 được thiết kế để ép cho chiếc xe bám chặt vào mặt đường. Khi luồng khí tiếp cận chiếc cánh thì luồng khí này sẽ bị hất lên, vừa ép nén xe xuống mặt đường, nhưng cũng làm tốc độ bị giới hạn do gặp cản gió.

DRS là cơ chế mở cánh sau, giúp cho luồng khí động học được đi thông thẳng ra đằng sau đuôi xe, giảm bớt lực ép và giúp tăng tốc cho chiếc xe.

Khí động học khi chưa mở DRS
Khí động học khi chưa mở DRS
Khí động học khi đã mở DRS
Khí động học khi đã mở DRS

Chiếc xe có lực ép – downforce càng lớn thì càng chậm nhưng bù lại khả năng vào cua được tăng cao. Tuy nhiên không phải lúc nào các tay đua cũng cần lực ép lớn như vậy, nhất là trên các đoạn đường thẳng. Vì vậy sử dụng DRS là một cách cực hiệu quả để tăng tốc cho chiếc xe.

Khí động học của xe F1
Khí động học của xe F1

Điều kiện sử dụng DRS

DRS là hệ thống được kiểm soát bởi 2 phía, 1 phía là bên kiểm soát trường đua, 1 phía là bởi chính tay đua. Để DRS được sử dụng trong một trận đua Grand Prix thì có 2 điều kiện cần được đáp ứng đó là:

  • Chiếc xe đã đi vào vùng DRS – DRS zone.
  • Khoảng cách với xe phía trước là ít hơn hoặc bằng 1 giây khi đi qua vùng cảm biến.
Khoảng cách được kích hoạt DRS
Khoảng cách được kích hoạt DRS

Trong các vòng đua tập và phân hạng thì DRS được sử dụng mà không cần phải có xe đối thủ ở đằng trước. Các tay đua chỉ cần đi vào vùng DRS là có thể mở cánh sau. Và cánh sau sẽ tự động đóng lại khi thực hiện thao tác nhả ga, phanh hoặc nhấn vào nút kích hoạt DRS một lần nữa.

Các tay đua được kỹ thuật viên hỗ trợ nhắc sử dụng DRS hoặc đèn DRS sẽ nhấp nháy trên vô lăng. Tay đua ở phía trước cũng sẽ được đội cảnh báo xe ở đằng sau đang trong vùng được dùng DRS.

Trước khi vào vùng DRS, các xe sẽ đi qua vùng cảm biến, giúp đo được khoảng cách giữa 2 xe. Nếu cảm biến này đo được khoảng cách giữa xe sau và xe trước ít hơn 1 giây thì sẽ gửi tín hiệu đến xe sau, cho phép sử dụng DRS.

Cách bộ phận DRS cánh sau đóng/mở
Cách bộ phận DRS cánh sau đóng/mở

Tay đua dẫn đầu cũng có thể được dùng DRS nếu tiếp cận được với một chiếc xe hạng cuối ở phía trước. Lúc này vừa được dùng DRS và tay đua hạng cuối cũng bắt buộc phải nhường đường.

DRS không được sử dụng trong 2 vòng đầu tiên của trận đấu, khi đi sau xe an toàn và khi trận đấu được bắt đầu lại do có cờ đỏ được phất lên. Kiểm soát trường đua có thể tắt DRS nếu cần thiết, chẳng hạn như trường hợp mưa nặng hạt. Một chiếc xe lao vào bãi sỏi, làm cho sỏi văng ra vùng DRS cũng có thể khiến cho chức năng này tạm thời không được dùng ở vùng DRS đó.

Tay đua ở phía trước cũng có thể dùng DRS, nếu như cũng có một chiếc xe khác ở đằng trước họ, miễn khoảng cách là dưới 1 giây. Nhưng việc các chiếc xe nối đuôi nhau dùng DRS cũng không có nghĩa lý gì. Vì tốc độ của tất cả các xe này đều tăng lên, nên các pha vượt mặt cũng hiếm khi xảy ra. Trừ khi có những chiếc xe được thiết kế đặc biệt, có thể tận dụng được tối đa DRS (chẳng hạn như đội Red Bull).

Chiếc xe ở phía trước cũng có thể bảo vệ vị trí của mình, ngăn không cho đối thủ vượt bằng cách dùng năng lượng dự trữ, là nút OverTake (OT) trên vô lăng. Khi kích hoạt thì xe sẽ được tăng tốc, nhờ vào phần nhiệt năng và động năng đã được lưu trữ vào bộ phận hybrid.

Có bao nhiêu vùng DRS?

Tùy vào mỗi trường đua mà có các vùng DRS khác nhau với số lượng cũng khác nhau. Các vùng DRS chủ yếu được đặt trên các đoạn đường thẳng, đủ rộng để thực hiện các pha vượt mặt. Khi đặt các vùng DRS cũng phải xem xét đến yếu tố an toàn và tính khả thi khi các tay đua vượt mặt.

Chẳng hạn như tai nạn của Roman Grosjean ở trường đua Silverstone đã xảy ra ở trong vùng DRS. Nên vùng DRS này đã được loại bỏ để đảm bảo an toàn cho các tay đua.

Trường đua có ít vùng DRS nhất đó là Monaco với chỉ 1 vùng DRS ngay tại cửa hầm. Trường đua có nhiều vùng DRS nhất đó là Australian Grand Prix với 4 vùng DRS.

Như trường đua Australian có tới 4 vùng DRS nhưng lại chỉ có 2 vùng cảm biến, có nghĩa là xe có thể dùng được thêm 1 lần DRS nữa mà không cần thiết phải có xe ở đằng trước.

Vùng DRS tại Monaco Grand Prix
Vùng DRS tại Monaco Grand Prix
Vùng DRS tại Australian Grand Prix
Vùng DRS tại Australian Grand Prix

Để tránh nhầm lẫn, DRS zone chỉ là vùng được phép mở cánh sau trong phạm vi nhất định. Còn để có đủ điều kiện sử dụng DRS thì chiếc xe phải được nhận biết là cách xe phía trước ít hơn hoặc bằng 1 giây ở vùng cảm biến – vốn được đặt trước vùng DRS không xa. Nếu một tay đua đi qua vùng cảm biến nhưng khoảng cách là lớn hơn 1 giây, thì khi đi vào vùng DRS dù khoảng cách còn 0,5 giây cũng không được phép mở cánh sau.

Các câu hỏi thường gặp về DRS trong F1

Được kích hoạt DRS bao nhiêu lần?

DRS được sử dụng không giới hạn, miễn là đáp ứng được điều kiện là xe đã ở trong vùng DRS và có một xe khác ở phía trước cách bằng hoặc dưới 1 giây.

Tay đua dẫn đầu có được dùng DRS không?

Tay đua dẫn đầu ở hạng đầu tiên không được phép sử dụng DRS, trừ khi có một chiếc hạng cuối ở phía trước.

Tại sao không được dùng DRS liên tục?

Khi đi vào các khúc cua thì chiếc xe F1 cần sự ổn định và độ bám nhất định, việc mở cánh sau sẽ làm giảm độ bám của chiếc xe, dẫn đến khả năng vào cua sẽ bị giảm xuống. Hơn nữa DRS chỉ được nên dùng ở các đoạn đường an toàn, chủ yếu là trên các đoạn thẳng.

Tốc độ được tăng thêm khi dùng DRS là bao nhiêu?

Liên đoàn FIA đã dựa trên các số liệu trên trường đua để đánh giá. Sự chênh lệch tốc độ trung bình khi một chiếc xe bắt đầu mở cánh sau và đi ra khỏi vùng DRS là 10-12km/h. Tuy nhiên con số này có thể tăng giảm tùy vào cách thiết kế xe của mỗi đội.

Dưới đây là sự chênh lệch tốc độ khi chưa dùng DRS và khi đã dùng DRS của một số đội, số liệu được lấy từ trường đua Belgian năm 2023.

Red Bull

  • DRS mở: 340.8km/h
  • DRS đóng: 320.5km/h
  • Tốc độ tăng thêm: 20.3km/h

Ferrari

  • DRS mở: 337.3km/h
  • DRS đóng: 318.3km/h
  • Tốc độ tăng thêm: 19km/h

Mercedes

  • DRS mở: 333km/h
  • DRS đóng: 319.8km/h
  • Tốc độ tăng thêm: 13.2km/h

McLaren

  • DRS mở: 326.9km/h
  • DRS đóng: 311.6km/h
  • Tốc độ tăng thêm: 15.3km/h

DRS có được bật tự động không?

Các tay đua sẽ phải tự thao tác sử dụng DRS một cách thủ công bằng nút DRS trên vô lăng.

DRS đem lại bao nhiêu mã lực cho chiếc xe?

Khi sử dụng DRS thì chiếc xe có thể tăng thêm từ 5-6 mã lực – Trích từ đội Renault.

Bao nhiêu lực cản giảm xuống khi sử dụng DRS?

Khi cánh sau được mở tung thì lực cản được giảm bớt khoảng 23%.

Các tay đua biết khi nào được dùng DRS?

Khi đủ điều kiện sử dụng DRS thì đèn DRS trên vô lăng của tay đua sẽ chớp lên, hoặc có một tiếng “bíp” trong tai nghe của họ.

DRS giúp cải thiện thời gian đua như thế nào?

Khi vòng đua đó tay đua sử dụng DRS có thể giảm khoảng nửa giây trên tổng thời gian của mỗi vòng đua.

Với công nghệ DRS này, các tay đua có thể dễ dàng tăng tốc trên đoạn thẳng để có cơ hội vượt qua chiếc xe khác. Tuy nhiên dù cải thiện đáng kể tốc độ, nhưng sự ổn định của chiếc xe cũng bị giảm xuống. Điển hình là đuôi sau có hiện tượng rung lắc, dễ mất kiểm soát, nhất là khi tay đua thực hiện đánh lái với DRS vẫn mở.

Cùng theo dõi các bài viết mới nhất để cập nhật cho mình kiến thức của thuật ngữ trong F1 nhé.

Đánh giá bài viết

Rất vui vì đã giúp được bạn ️🏆!

Chia sẻ bài viết này ngay 😎!

Xin lỗi bạn vì chất lượng bài viết không như kỳ vọng ☹️.

Nghiện 4 Bánh sẽ cố gắng cải thiện nội dung 💪!

Nghiện 4 Bánh cần cải thiện nội dung gì trong bài viết này 📝?

Tin Liên Quan

Tóm Tắt Nội Dung